Quy về thị trường trong nước để kinh doanh, tạo dựng thương hiệu nội thất cho chính mình, tăng cường khuyến mãi, giảm giá bán cho người tiêu dùng…, đó là những gì mà các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất trong nước đã và đang làm rất tốt trong thời gian qua. Điều đó đã chính minh bằng thực tế thị trường qua các mốc doanh số, kể cả trong phân khúc hàng xuất khẩu. Dạo quanh một vòng các công ty chuyên kinh doanh hàng nội thất tại TPHCM, đa số các mặt hàng được trưng bày đều là các mặt hàng được sản xuất từ trong nước với chất lượng cao. Chị Lan, quản lý một cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nội thất trên đường Ngô Gia Tự, Q.10, cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đến chào hàng, mẫu mã rất đa dạng, đặc biệt là những sản phẩm gỗ tự nhiên. Theo chị, so với hai năm trước, sản phẩm nội thất ngoại nhập chủ yếu từ Trung Quốc chiếm phần lớn tại cửa hàng thì nay các mặt hàng nội thất như: giường tủ, bàn ghế, kệ bếp của các cơ sở trong nước chiếm hơn 50%.
Đánh giá chung của giới kinh doanh đồ gỗ, nếu so với sản phẩm gỗ tự nhiên, hàng ngoại nhập khó có thể cạnh tranh được. Khảo sát nhanh tại các cửa hàng chuyên về nội thất trên đường Ngô Gia Tự, 3/2 (quận 10) hay Cộng Hòa (Tân Bình), cho thấy sự có mặt của các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đang dần chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, tại các cửa hàng kinh doanh trên đường Cộng Hòa hay Quang Trung, Nguyễn Oanh (Gò Vấp) gần như chỉ bày bán sản phẩm nội thất được sản xuất trong nước, không có sản phẩm ngoại nào. Trao đổi với chúng tôi, chị Hoa, quản lý cửa hàng nội thất Hà Nam trên đường Cộng Hòa, cho biết, các sản phẩm bày bán tại đây hầu hết là gỗ tự nhiên với các mẫu mã đẹp, cổ điển pha lẫn hiện đại, tất cả được Hà Nam sản xuất có chất lượng, mẫu mã không thua kém gì hàng ngoại, giá lại rất cạnh tranh nên người tiêu dùng đã chọn rất nhiều. Không chỉ tại đây, được biết hiện trong chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng nội thất gia đình của Tập đoàn Hà Nam tại quận Bình Thạnh, quận 7, sản phẩm đồ gỗ nội địa chiếm gần 100% các sản phẩm đang được trưng bày. Theo ông Trần Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hà Nam: “Những năm trước sản phẩm bày bán tại các showroom của công ty cũng nhiều hàng ngoại nhập, nhưng mấy năm trở lại đây, chúng tôi đã sản xuất nhiều hàng nội thất bằng gỗ tự nhiên với mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý và khi mở thêm nhiều địa điểm showroom mới để bày bán thì gần như đã đáp ứng được nhu cầu thật của người tiêu dùng…”. Ông Hùng cũng thừa nhận rằng, tâm lý người tiêu dùng trong thời gian này rất quan tâm đến hàng Việt, đó là tiêu chí đầu tiên họ tìm hiểu và chọn mua sản phẩm. Cũng với ý trên, một đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) đã khẳng định, sau hơn hai năm quay trở về thị trường nội địa, tỉ lệ sản phẩm nội thất của các doanh nghiệp Việt đã tăng từ 20% lên 40%, hàng ngoại nhập đã mất dần ưu thế.
Theo các doanh nghiệp đang “chinh chiến” tại thị trường nội, điểm yếu nhất của hàng nội thất Việt là thương hiệu, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến cho dù chất lượng sản phẩm khá tốt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khi quay trở về nội địa đã cơ cấu lại, đầu tư khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề phân phối, tiếp thị bán lẻ. Lãnh đạo một tập đoàn đồ gỗ thuộc loại lớn nhất nước đã cho biết, doanh số khai thác thị trường nội địa (chiếm trên 30% tổng doanh thu) của công ty vẫn chủ yếu từ các công trình, dự án, còn bán lẻ vẫn chưa là thế mạnh. Khó khăn trong đầu tư mẫu mã, xây dựng thương hiệu, chi phí mặt bằng đắt đỏ… là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia phân khúc bán lẻ sản phẩm. Còn theo ông Dương Quốc Nam – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam, chủ chuỗi siêu thị nội thất Phố Xinh – cho biết, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nội thất dù rất quan trọng nhưng không dễ thực hiện. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn về việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, nhưng một yếu tố quan trọng khác là việc phải quan tâm đến các dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm phải đặt lên cao. Còn theo ông Hùng, TGĐ Tập đoàn Hà Nam, sản phẩm của Hà Nam chất lượng tốt không thua kém hàng ngoại, sản phẩm được làm bằng gỗ tự nhiên với giá thành rẻ hơn hàng ngoại rất nhiều lần, nhưng vấn đề lớn ở đây là phải truyền thông sao cho thật tốt để bà con biết đến thương hiệu của mình. Vì vậy, mấy năm trở lại đây Hà Nam đã tập trung rất nhiều cho việc phát triển thương hiệu đồ gỗ nội thất Hà Nam trong làng đồ gỗ Việt. Đó là từ truyền thông trên báo chí, truyền hình, truyền thanh, mở các sự kiện khuyến mãi, giảm giá sản phẩm cho người tiêu dùng, đến đưa hàng hóa tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để các khách hàng trong và ngoài nước được biết tới thương hiệu của công ty. Hà Nam Group cũng đã gầy dựng được ý tưởng về ngôi nhà chung cho hàng nội thất gia đình Việt. Ở đó tập hợp tất cả thương hiệu Việt trong ngành nội thất từ bóng đèn trang trí đến tủ, bàn ghế, tủ bếp, drap, nệm… được trang trí như một ngôi nhà, và bây giờ tới trưng bày và bán các mặt hàng kim khí điện máy gia đình giúp khách hàng có một không gian mua sắm trọn vẹn, tiết kiệm thời gian.
Nhìn nhận chung từ thực tế thị trường, các chuyên gia trong ngành đồ gỗ nội thất đã chỉ ra rằng, chính trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay các doanh nghiệp sản xuất nội thất trong nước nên tận dụng cơ hội để “tranh thủ” sản phẩm của mình với người tiêu dùng. Vì trong lúc này, khi kinh tế khó khăn, thị trường nước ngoài càng không phải là mảnh đất hứa, sản lượng xuất khẩu chưa đạt được doanh số để tính đến lãi thì nên “co” về để đồng hành với người tiêu dùng trong nước. Cũng lúc này đây, khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, việc mua sắm bộ nội thất từ 100 triệu trở lên như trước kia không còn nhiều mà chỉ tập trung vào phân khúc giá hạng trung và thấp… thì doanh nghiệp phải “tức thời” để đáp ứng ngay được phân khúc này. Vì trên thực tế hiện nay, một bộ nội thất có giá từ 5-7 triệu đang là lựa chọn tối ưu nhất cho các gia đình có nhu cầu thật sự, và nội thất đang ngày một trở về với giá trị thật chứ không thể như một mặt hàng xa xỉ. Từ khóa >> Sua may giat quan 3
|